Phát huy vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ trong phối hợp quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

29/09/2022 09:43 Số lượt xem: 231


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho caccs tập thể có thành tích xuất sắc

Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh là tổ chức chính trị - xã hội, luôn chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ đặc biệt là phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp đỡ về kinh tế ổn định cuộc sống, chủ động khai thác nguồn lực, xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng quản lý hoạt động vốn vay cho hội viên, phụ nữ nhất là với nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội. Hiện tại tổ chức Hội Phụ nữ đang là đoàn thể đạt 6 nhất trong hoạt động ủy thác (dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số tổ TK&VV nhiều nhất; tỷ lệ thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; tổ TK&VV có chất lượng tốt nhất).

Nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và ý nghĩa xã hội, tính nhân văn của hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn các chương trình tín dụng chính sách, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ; Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của NHCSXH các cấp và các tổ chức chính trị xã hội, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Với sự nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ, 20 năm qua hoạt động vay vốn của các các cấp Hội ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, Hội LHPN tỉnh luôn là đoàn thể có dư nợ lớn, chiếm tỷ trọng gần 53% trên dư nợ ủy thác cho vay. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp và có xu hướng giảm dần từ 1,8% năm 2004 xuống còn 0,11% (31/8/2022). Dư nợ ủy thác qua các cấp Hội phụ nữ 12/2004 là 114,3 tỷ đồng, đến 31/8/2022 dư nợ ủy thác đạt 1.541 tỷ đồng tăng 1.426,7 tỷ đồng, gấp hơn 13.4 lần so với năm 2004. Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ đang quản lý 984 tổ TK&VV với 38.535 thành viên, tổng số dư tiết kiệm hiện nay là trên 85,46 tỷ đồng (Tăng trên 50 tỷ đồng so với năm 2004). 100% tổ TK&VV tham gia gửi tiết kiệm, số thành viên tham gia tiết kiệm tự nguyện 38.513/39.189 đạt trên 98,3%. Chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV ngày càng được nâng lên, tính đến T8/2022 tổ TK&VV do Hội LHPN quản lý xếp loại tốt là 930tổ (đạt 94,5%), loại khá là 35 tổ (đạt 3,6%) , loại trung bình là 18 tổ (đạt 1,8%), loại yếu là 1 tổ (chiếm 0.1%). Việc thu lãi của hội viên và đôn đốc hội viên trả gốc đúng kỳ hạn được các tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tỷ lệ thu lãi đúng kỳ hạn hàng tháng đạt tỷ lệ ngày càng cao (năm 2004 chỉ đạt 86,6%, đến nay đạt 99,9% số lãi phải thu).

Các hộ vay vốn đã phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay, tạo việc làm, thu hút nhiều lao động, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Nhiều hộ nghèo vay vốn NHCSXH đã thoát nghèo (20 năm qua, các cấp Hội đã giúp 100% hộ hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều biện pháp cụ thể, trong đó giúp trên 15.000 hộ phụ nữ nghèo làm chủ, thoát nghèo bền vững); các cháu HSSV thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được theo học các trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với NHCSXH thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, các cấp Hội đã tiếp nhận 916 ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. 100% ý tưởng tiếp nhận được hỗ trợ, giúp đỡ theo nhu cầu cụ thể dưới các hình thức như hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn PNKN của tỉnh, tập huấn kiến thức, liên kết hoạt động sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tiếp cận chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh …  Đến nay đã có 168 lượt dự án được vay vốn phát triển SXKD, khởi nghiệp, với  tổng số vốn  đã giải ngân lũy kế 130,5 tỷ đồng, các dự án do PNKN làm chủ đã góp phần tạo việc làm cho 966 lao động tại địa phương (729 lao động nữ). Trong khuôn khổ thực hiện Đề án, Hội đã phối hợp tư vấn, giúp đỡ thành lập mới 12 doanh nghiệp; 15 HTX nông nghiệp kiểu mới, do phụ nữ làm chủ, với tổng số 251 thành viên; 18 Tổ liên kết với 325 thành viên (đạt 165% chỉ tiêu Kế hoạch thực hiện Đề án).

Có được những kết quả trên, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu đúng và đầy đủ chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thông qua các buổi sinh hoạt hội viên tại các chi/tổ, các câu lạc bộ chuyên đề; phối hợp với Đài truyền hình, Báo Bắc Ninh tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, thông qua cuốn bản tin, website của Hội…. Các cấp Hội thường xuyên đưa tin, bài phản ánh về việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước và hoạt động nhận ủy thác của Hội Phụ nữ. Tích cực tuyên truyền nêu gương, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ủy thác, biểu dương các hộ phụ nữ nghèo và đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả.

Hai là, kịp thời nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên; tổ chức khảo sát và lựa chọn thành viên vay vốn đúng đối tượng, mục đích sử dụng vốn phù hợp với quy định của từng nguồn vốn vay; đảm bảo tính công khai, dân chủ; Tiến hành thành lập, kiện toàn Tổ TK&VV theo đúng quy định (lựa chọn tổ trưởng tổ TK&VV là những người có uy tín, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng). Xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động của tổ; Phối hợp quản lý nguồn vốn vay, hướng dẫn sử dụng vay vốn đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả không để thất thoát.

Ba là, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, quy trình, thủ tục cho vay và quản lý vốn, quy định về vay vốn đối với từng chương trình tín dụng chính sách, kỹ năng quản lý cho cán bộ Hội LHPN các cấp và Tổ trưởng tổ TK&VV đã được các cấp Hội phối hợp với NHCSXH triển khai thực hiện kịp thời, chủ động đưa nội dung ủy thác vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Hội hàng năm.

Bốn là, Hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn.

Năm là, công tác phối hợp giữa Hội Phụ nữ với NHCSXH và Tổ TK&VV trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội thường xuyên củng cố. Hoạt động giao dịch tại xã, tham gia họp giao ban với NHCSXH để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thường xuyên nắm bắt chủ trương, chính sách mới, đặc biệt là các văn bản có liên quan về các chính sách tín dụng ưu đãi giải ngân qua NHCSXH để tuyên truyền kịp thời tới người dân được nghiêm túc thực hiện theo quy định, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất việc tổ chức thực hiện hoạt động ủy thác vay vốn tại địa phương. Phối hợp chỉ đạo giải quyết nợ quá hạn, phân tích nguyên nhân, tham mưu đề xuất với Đảng ủy và chính quyền địa phương cùng vào cuộc và có giải pháp khắc phục.

Sáu là, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác được các cấp Hội chú trọng. Hàng năm, các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện từ quy trình bình xét đối tượng vay vốn, hoạt động của tổ TK&VV, người vay sử dụng vốn…. ngoài ra còn kiểm tra theo sự phân công của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh.

Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp phụ nữ, quan tâm phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách; vận động phụ nữ phát huy nội lực, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương; nâng cao chất lượng thực hiện hoạt động ủy thác vay vốn NHCSXH, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép hoạt động ủy thác với các chương trình, dự án của Hội, nhất là đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”.  

Thu Hương - Hội LHPN tỉnh

Thống kê truy cập

Online : 5090
Đã truy cập : 120422144